Trường Mầm non EEG Montessori – nơi thắp sáng tài năng con trẻ!
Tài chính cá nhân – Dạy con tư duy về tiền bạc
Thứ năm - 03/06/2021 05:55
Đa số cha mẹ thì lại không chủ động dạy con về tiền mà chỉ giảng giải cho con khi “có chuyện”. Hầu hết đều để cho con tự học theo kiểu quan sát, tự học từ môi trường. Có một câu nói luôn đúng đó là “Nếu chúng ta không làm điều đó, thì người khác sẽ thay chúng ta làm điều đó”. Cha mẹ không dạy con về tiền, thì con sẽ học từ người khác, sẽ tự học. Khi đó con có thể học sai hướng và điều này là một sự thiệt thòi cho con. Thực tế và những nghiên cứu cho thấy, khi có thái độ đúng về tiền và biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ trở nên dễ dàng, trở nên dễ giải quyết hơn. Vì thế đã đến lúc phụ huynh chúng ta cần chủ động dạy con về tiền, cách quản lý tiền bạc. Việc hình thành các KHÁI NIỆM ĐÚNG, TƯ DUY ĐÚNG về tiền trong giai đoạn tuổi vàng là quan trọng. CÁC MỐC QUAN TRỌNG TRONG GIÁO DỤC CON CÁI VỀ TIỀN BẠC Người Do Thái có phương pháp đặc biệt về giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho con cái, họ bắt đầu triển khai các bài học quản lý tài sản gia đình từ khi trẻ ba hoặc bốn tuổi, đó dường như đã thành thông lệ. 3 tuổi: Phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá. 4 tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần phải lựa chọn. 5 tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý. 6 tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản. 7 tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không. 8 tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt. 9 tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán. 10 tuổi: Biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn hơn như mua giày trượt băng, ván trượt… 11 tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá và ưu đãi. 12 tuổi: Biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm được, có quan niệm tiết kiệm. Từ 12 tuổi trở lên: Các con hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản cùng với những người trưởng thành trong xã hội... ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC 5 CHIẾC LỌ GIÚP CON HÌNH THÀNH TƯ DUY QUẢN LÝ TÀI SẢN Người Do Thái dạy con trí thông minh về tiền bạc bằng cách sử dụng 5 chiếc lọ. Mỗi lọ đều được dán tên tương ứng với mục đích sử dụng. Cứ mỗi lần được cho, hoặc kiếm được 10 đồng, trẻ em Do Thái sẽ bỏ 1 đồng vào mỗi lọ” đóng thuế, tiết kiệm, từ thiện; 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hàng ngày. Lọ Tithe: đóng thuế, chiếm 10%. Đây là 1 loại thuế trong tín ngưỡng của người Do Thái. Lọ này sẽ được mở ra cuối tháng. - Lọ Saving: tiết kiệm, chiếm 10%. Lọ này chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình gặp khó khăn hoặc có người bị ốm - Lọ Giving: từ thiện, chiếm 10%. Lọ này chỉ được mở khi trẻ dùng tiền làm từ thiện để giúp đỡ người khác. Người Do Thái đã chú trọng dạy dạy cho con trẻ biết cách “cho đi” từ khi còn rất nhỏ. - Lọ Investing: đầu tư, chiếm 20%. Lọ này chỉ được mở khi nó đã đầy. Đến độ tuổi thích hợp, người Do Thái sẽ dạy con đầu tư sinh lãi. - Lọ Spending: chi tiêu hàng ngày 50%. Người Do Thái trao cho con quyền tự quyết định chi tiêu, và quyền được mắc sai lầm. Họ cho rằng, trẻ sẽ tự học sau những sai lầm này, tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, và do đó sẽ trở nên thông minh trong quá trình quyết định sau này DẠY CON VỀ TIỀN BẠC GIAI ĐOẠN 3-6 TUỔI - Ngay khi trẻ 3 tuổi chúng ta có thể dạy con nhận biết tiền, về công dụng để mua bán và giá trị của tiền: tiền do lao động, làm việc mà ra. Có một số gia đình, quá giàu có, hoặc quá cưng chìu con, con đòi mua gì cũng cho con. Điều này tạo ra sự lệnh lạc của con về tiền. Những trẻ em được nuông chìu quá mức như thế sẽ tưởng rằng tiền của ba mẹ là vô hạn, hoặc tiền rất dễ kiếm. Thay vì nuông chiều, hãy nói với với con “Mỗi ngày ba chỉ có bao nhiêu tiền này thôi”. “Mình mua con búp bê đó thì mình không còn tiền mua sữa cho con đó!” - Dạy con tiết kiệm và để dành tiền. Để tiền trong heo đất sẽ tạo sự hồi hộp về số tiền khi khui heo. Còn để tiền trong heo bằng thủy tinh sẽ giúp cho con thấy rõ tiền tích lũy và tăng lên. Điều này làm cho con thích thú và mong muốn tiết kiệm. Thỉnh thoảng, hãy để con dùng tiền từ heo đất ra để mua đồ con muốn. Chúng ta làm vậy sẽ giúp cho con biết được tiền của con, và tiền do cha mẹ cho, giúp cho con biết quý đồng tiền hơn. - Cha mẹ luôn phải làm gương cho con. Chúng ta thường cho rằng con chưa biết gì. Thật ra thì ở tuổi này con đã biết quan sát cha mẹ về những hành vi ứng xử với tiền. Ba mẹ nói con phải tiết kiệm nhưng khi mua đồ dùng cho mình, hoặc khi đi ăn nhà hàng thì ba mẹ lại vung tay. Con quan sát thấy, để lại hết trong đầu. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge cho thấy rằng, thói quen về tiền bạn của trẻ em được hình thành từ năm 7 tuổi và có khuynh hướng bắt chước, copy từ những hành vi của cha mẹ. Do vậy chúng ta phải luôn làm gương, hành động đi với lời nói, không chỉ việc quản lý tiền bạc, mà còn cho tất cả những việc hàng ngày khác. -Khi con đòi mua những món đồ đắt tiền, hãy giải thích cho con giá của nó. “Con trai à, chiếc xe mô hình này giá 4 triệu. Bằng nửa tháng làm việc của các anh chị trong xưởng đó.” Những so sánh đó sẽ làm cho con hiểu hơn về cái giá của món đồ. Con sẽ từ bỏ ý định mua. Chúng ta đừng giận dữ với con, cũng đừng nên chiều hư con. -Dạy con về sự đánh đổi. “Nếu con mua trò chơi này thì năm sau con mới có thể mua giày “. Con cần học cách cân đo sự quan trọng của các món đồ để ra quyết định. Hãy hỏi lại con “Con thích game này thật hả? Con không thích đôi giày nữa hả. Con suy nghĩ kỹ chưa nè?”. Không chỉ trong tiền bạc, mà chúng ta hãy luôn dạy con về sự đánh đổi, về sự lựa chọn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. - Dạy con kiếm tiền bằng cách cho con phụ làm công việc nhà. Chúng ta nên phân biệt ra những việc thuộc về trách nhiệm của con như: đánh răng, rửa mặt, dọn giường của mình, dọn dẹp phòng… Những việc này chúng ta không nên thưởng tiền cho con. Mà phải giải thích đó là trách nhiệm của con đối với với bản thân mình. Đối với những việc không thuộc trách nhiệm của con, như lau dọn vườn, nhổ cỏ…thì ba mẹ có thể thưởng điểm và đổi thành tiền cho con. Đây là cách dạy con làm việc, kiếm tiền và quý tiền.
Trí thông minh tài chính không phải do bẩm sinh mà đó là quá trình luyện tập thường xuyên, liên tục. Giáo dục tài chính ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp các con tránh bị thiếu hụt kiến thức về tiền bạc, học cách quản lý tài chính và điều này có thể giúp trẻ rút ngắn con đường dẫn đến thành công về tài chính sau này.